Buổi học bổ ích về “Cầu trong du lịch Việt Nam” với chuyên gia Tạ Duy Báu – Giám đốc công ty lữ hành HORIZON VIETNAM TRAVEL
Sáng ngày 10/09/2020, sinh viên hai lớp du lịch QH.2018 – Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tham gia buổi học về chủ đề “Cầu trong Du lịch Việt Nam” (Demande touristique au Vietnam) tại phòng hội thảo Khoa với Anh Tạ Duy Báu – Giám đốc công ty lữ hành HORIZON VIETNAM TRAVEL và hai giảng viên, Cô Nguyễn Thu Hà và Cô Đỗ Thanh Thủy.
HORIZON VIETNAM TRAVEL được sáng lập năm 2008 bởi Anh Tạ Duy Báu – cựu sinh viên khoa Pháp khóa K39 năng động, vui tính và đam mê du lịch. Anh Báu đã có nhiều năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên tiếng Pháp trong các công ty lữ hành tại Việt Nam và các nước Đông Dương. HORIZON VIETNAM TRAVEL là một công ty du lịch nổi tiếng thuộc cộng đồng Pháp ngữ, chuyên về nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là những chuyến du lịch được thiết kế theo nhu cầu của khách hàng (voyage sur mesure), giúp họ có những trải nghiệm mới và độc đáo về lịch sử, văn hóa, con người tại các nước Đông Dương.
Trong buổi học, sinh viên hai lớp tiếng Pháp chuyên ngành du lịch đã được nghe Anh Báu trình bày về bốn điểm chính của “Cầu trong Du lịch Việt Nam” : các yếu tố của Cầu trong du lịch, các loại hình du lịch, khách du lịch và tính mùa vụ của ngành.
Cầu trong du lịch
Đầu tiên, Anh Tạ Duy Báu đã trình bày về những mối quan tâm của khách du lịch Pháp khi đến với Việt Nam. Với việc trả lời những câu hỏi về các nhu cầu cơ bản của người đi du lịch, như: “Ăn gì? Ngủ ở đâu? Đi như thế nào? Tổ chức hoạt động gì cho khách?”, Anh Báu đã giúp các bạn sinh viên có cái nhìn cụ thể và dễ hiểu đối với khái niệm “Cầu trong du lịch”.
Các loại hình du lịch
Từ kinh nghiệm quản lý công ty lữ hành, Anh đã nêu ra những loại hình du lịch khách thường chọn như: du lịch truyền thống, du lịch gia đình, du lịch công tác. Ngoài ra, anh cũng nhấn mạnh sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của các loại hình du lịch mới, như: du lịch thiết kế theo nhu cầu (tour privé et sur mesure), du lịch ẩm thực (tour gastronomique).
Khách du lịch
Chia sẻ về việc phân biệt khách du lịch tại Việt Nam, là khách “inbound” và “outbound”, Anh Báu cũng trao đổi về việc phát triển thêm hướng khai thác khách “outbound” từ nước ngoài du lịch đến một nước khác (không phải Việt Nam) nhưng mua sản phẩm du lịch của công ty trong nước.
Tính mùa vụ trong du lịch
Bằng việc chỉ rõ tính mùa vụ của ngành du lịch, Anh Báu đã cho thấy tầm quan trọng của việc làm marketing (tiếp thị) một cách hiệu quả. Công ty du lịch cũng như mọi công ty khác, muốn hoạt động được và tạo ra lợi nhuận phải đáp ứng được ít nhất một trong các tiêu chí là: cung cấp sản phẩm độc đáo, kênh phân phối đặc biệt, chăm sóc khách hàng chu đáo và tận tâm, giá cả cạnh tranh. Tiếp đó, Anh giới thiệu cho sinh viên về hai công cụ hỗ trợ để làm tốt marketing thường được sử dụng của công ty mình là Google Trends và Google Ads.
Trao đổi giữa chuyên gia và sinh viên
Với cách nói chuyện gần gũi, dí dỏm và cởi mở, Anh Tạ Duy Báu cũng mang đến sự khích lệ với các bạn sinh viên chuyên ngành du lịch qua các lý do chọn nghề du lịch Pháp ngữ: phát huy được vốn tiếng Pháp đã học, được đi du lịch miễn phí, đồng thời tăng thêm vốn hiểu biết và vốn sống khi được tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều nơi. Về thu nhập, đối với HORIZON VIETNAM TRAVEL, nhân viên văn phòng có thu nhập từ 15-20 triệu/tháng; nhân viên sales và điều hành có năng lực cao, thu nhập có thể lên đến 20-30 triệu/tháng; hướng dẫn viên có thu nhập từ 15-20 triệu/tháng. Đặc biệt, chuyên gia cũng nhấn mạnh: khi chúng ta làm du lịch, mỗi người chúng ta sẽ là một “đại sứ văn hoá” của đất nước, góp phần làm cho Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến, yêu mến và mong muốn được kết nối.
Đây là khoảng thời gian học tập thật bổ ích, sinh viên không chỉ được nghe chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực du lịch mà còn có những phút trao đổi chân thành trong cuộc sống. Buổi học thú vị và đầy cảm hứng cùng với chuyên gia Tạ Duy Báu đã giúp các bạn sinh viên hai lớp chuyên ngành du lịch khóa QH.2018 củng cố kiến thức cả về lý thuyết và thực hành, nhận thức rõ ràng hơn về định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai.
- 4
- 55