Buổi học với chuyên gia của sinh viên lớp 19F6.DL tìm hiểu về cách kinh doanh sản phẩm du lịch
Ngày 24/10/2022, sinh viên lớp 19F6.DL đã có buổi học cùng chuyên gia trong khuôn khổ môn học Quản trị kinh doanh lữ hành. Với kiến thức sâu rộng về kinh doanh sản phẩm du lịch, anh Tạ Duy Báu – cựu sinh viên Khoa Pháp – chuyên gia quen thuộc với sinh viên Khoa đã chia sẻ những “tinh hoa nghề sales” mà mình tích lũy được với các bạn sinh viên lớp 19F6.DL chỉ trong một tiếng rưỡi đồng hồ ngắn ngủi.
Là người đứng đầu công ty du lịch Horizon Vietnam Travel, trước đây, anh Báu đã có nhiều năm kinh nghiệm không chỉ với vai trò là một hướng dẫn viên, mà còn là một nhân viên bán tour chuyên nghiệp. Đối với anh, thuật ngữ “chốt sales” là một thuật ngữ tối quan trọng và công việc này cần được thực hiện một cách chỉn chu và khéo léo nhất để có thể làm vừa lòng khách hàng. Anh nhận định rằng trước đây, việc bán tour du lịch thường có xu hướng một chiều mà thiếu đi bước chăm sóc khách hàng. Ở đây, chăm sóc khách hàng không chỉ đơn giản là giới thiệu tour và bán tour cho khách hàng. Mà hơn thế nữa, nhân viên bán tour cần lắng nghe mọi nhu cầu và mong muốn của khách hàng để từ đó khéo léo “thiết kế” chuyến đi, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình.
Bên cạnh đó, anh Báu cũng cho rằng một nhân viên bán tour xuất sắc phải trang bị cho mình niềm đam mê với nghề và sự hiểu biết sâu sắc về công ty cũng như sản phẩm của công ty để từ đó kết nối được với nhu cầu của khách hàng, giúp cho việc xác định, phân loại đối tượng khách hàng tốt hơn. Nếu bước phân loại đối tượng khách hàng không được thực hiện đúng, công ty sẽ không thể bán được tour một cách suôn sẻ.
Đặc biệt, anh nhấn mạnh mỗi nhân sự trong công ty luôn phải đặt cho mình câu hỏi: “Pourquoi nous?” – Tại sao khách hàng lựa chọn mình mà không chọn doanh nghiệp khác? Với anh Báu, mỗi khách hàng đều có những “điểm yếu” riêng, ví dụ như: Có nhiều khách hàng luôn mong cầu nhiều điều (muốn giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất, muốn được tặng quà và được chăm sóc tốt); hay có những khách có những mong muốn, điều kiện tiềm ẩn rất riêng… Chỉ khi nắm bắt được những “điểm yếu”, hay những tâm tư ấy, doanh nghiệp mới có thể chiếm trọn cảm tình của khách hàng, từ đó quá trình làm việc với họ sẽ không những suôn sẻ hơn, mà còn để lại ấn tượng với họ dài lâu hơn. Bên cạnh đó, anh không quên lưu ý với các bạn rằng việc viết mô tả chương trình là một việc quan trọng trong quá trình làm sales vì nhờ có phần mô tả này, khách hàng sẽ có cái nhìn tổng quát cũng như cụ thể hơn về chương trình.
Về phía mình và công ty Horizon Vietnam Travel, anh Báu nhiệt tình chia sẻ rằng anh không ngại những vị khách khó tính, vì anh có thể hiểu họ và thậm chí sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của họ vì anh luôn tâm niệm rằng “Cho đi là nhận lại” – “Nếu biết cách khéo léo và luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng thì không những có được niềm tin yêu của khách, mà còn không lo công ty bị lỗ” – anh chia sẻ một cách dí dỏm.
Cuối buổi chia sẻ, anh Báu đã mời các bạn sinh viên “tham quan” trang web của công ty và trực tiếp cho các bạn thấy quá trình mua tour của khách hàng trên website. Cùng với ví dụ cụ thể về một tour đã được bán do nhân viên của công ty anh; thư gửi khách hàng cũng như chương trình du lịch, các bạn sinh viên lớp 19F6.DL đã có một cái nhìn thực tế hơn về công việc bán tour.
Kết thúc buổi chia sẻ, anh Báu tâm sự rằng anh luôn coi khách của mình là “voyageur” – tức là một người đi du lịch và trải nghiệm, thay vì là một “client” – khách hàng thông thường và coi mình là một “conseiller de voyage” – “tư vấn viên du lịch” thay vì là một “vendeur” – người bán hàng. Qua buổi học với anh Tạ Duy Báu – vị diễn giả có tâm và có tầm, các bạn sinh viên đã có thêm những hiểu biết và những trải nghiệm thực tế với công việc sales rất tiềm năng và thú vị.
- 6
- 48