Chuyến đi học tập nghiệp vụ hướng dẫn viên đầu tiên của sinh viên lớp du lịch khóa QH2018 dưới sự dẫn dắt của công ty Horizon Vietnam Travel
Sáng thứ năm, ngày 08/10/2020, trong tiết trời thu dễ chịu của Hà Nội, tập thể sinh viên hai lớp 18F3.DL1 và 18F4.DL2 đã có mặt đông đủ trước cổng khoa Pháp với sắc áo xanh nổi bật của đồng phục ULIS. Hôm nay, thay vì làm sinh viên ngồi trên giảng đường khoa Pháp, các bạn sinh viên chuyên ngành du lịch khóa QH2018 sẽ đóng vai đoàn khách người Pháp để trải nghiệm buổi học thực tế đầu tiên của môn Nhập môn khoa học du lịch. Địa điểm tham quan của “đoàn khách sinh viên” là trường đại học đầu tiên của Việt Nam: Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trực tiếp giảng dạy buổi học thực tế là hai chuyên gia du lịch: Anh Tạ Duy Báu – Giám đốc công ty lữ hành Horizon Vietnam Travel và Anh Đoàn Viết Hiệp – hướng dẫn viên đầy kinh nghiệm của Horizon Vietnam Travel, cùng sự hỗ trợ của hai giảng viên: Cô Nguyễn Thu Hà và Cô Đỗ Thanh Thủy.
“Đoàn khách du lịch” bắt đầu xuất phát lúc 8 giờ tại cổng khoa Pháp.
Cô Nguyễn Thu Hà, Anh Tạ Duy Báu cùng sinh viên hai lớp 18F3.DL1 và 18F4.DL2 trong tâm trạng phấn khởi
Trong 30 phút trên xe, anh Hiệp đã giới thiệu sơ lược về nhiệm vụ của hướng dẫn viên đối với khách du lịch trong suốt hành trình. Để có một chuyến đi chất lượng, các hướng dẫn phải đáp ứng được các nhu cầu của khách, chăm sóc khách tốt về mặt thể chất, đảm bảo an toàn cho khách và giúp họ khám phá cái mới, đặc biệt là có thể khám phá chính mình khi đi du lịch. Bên cạnh đó, người hướng dẫn viên còn cần những kỹ năng khác để lôi cuốn khách du lịch như : thổi hồn vào những câu chuyện, giữ được tinh thần hưng phấn cho khách trong suốt hành trình. Khi di chuyển trên xe đến địa điểm tham quan, chúng ta có thể nhắc lại lịch trình chi tiết cho khách, sau đó giới thiệu khái quát về thủ đô Hà Nội.
Đúng 8 giờ 30 phút, mọi người tập trung tại cổng điểm tham quan. Anh Hiệp nêu lên nhiệm vụ của người hướng dẫn lúc này là nhắc nhở khách giữ an toàn đồ đạc cá nhân, thông báo thời gian tham quan trong điểm du lịch (1 giờ đối với khách theo đoàn và 45 phút với khách lẻ) và trong trường hợp công ty yêu cầu thì sẽ lấy lại cuống vé tham quan.
Về phần giới thiệu về địa điểm, chúng ta sẽ nói lần lượt theo thứ tự các công trình: cổng vào (Le Grand Portique), cổng Đại Trung (La Grande Porte Médianne), Khuê Văn Các (Le Pavillon de la Constellation de Littérature), giếng Thiên Quang (Le Puit de la Clarté Céleste), bia tiến sĩ (les stèles des docteurs), Văn Miếu (Le Temple de Confucius), và cuối cùng là Quốc Tử Giám (Le Collège des Fils de la Nation). Những thông tin bắt buộc mà hướng dẫn viên phải nhắc tới đối với mỗi công trình là lịch sử hình thành, kiến trúc, mục đích xây dựng và ý nghĩa. Ngoài ra, anh Hiệp cũng đưa ra lời khuyên nên xen kẽ vào các câu chuyện, sự tích hay truyền thuyết liên quan đến lịch sử, ý nghĩa của địa điểm, làm chuyến tham quan hấp dẫn hơn với du khách. Ví dụ như biểu tượng các linh vật trong Văn Miếu (nghê, rồng, hổ, rùa, hạc, …), câu chuyện cá chép vượt vũ môn hóa rồng, biểu hiện của âm dương ngũ hành trong kiến trúc Văn Miếu.
Chuyến tham quan đón nhận được sự hưởng ứng tích cực từ “đoàn khách”. Các bạn sinh viên, tuy đã chuẩn bị trước thông tin về địa điểm du lịch, vẫn tích cực đưa ra nhiều câu hỏi: “Nếu khách bị lạc thì phải làm gì?”, “Tại sao bia Tiến sĩ lại được đặt trên lưng rùa mà không phải là con vật khác?”, v.v…
Các sinh viên lắng nghe giới thiệu về Đức Thánh Khổng Tử và Thầy Chu Văn An – người được mệnh danh là “ông tổ của các nhà nho nước Việt” trong Đại Việt sử ký toàn thư. Cả hai vị đều được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”.
Chuyến đi học tập nghiệp vụ hướng dẫn viên đầu tiên của sinh viên lớp du lịch khóa QH2018 dưới sự dẫn dắt của công ty Horizon Vietnam Travel
Buổi học còn là một trải nghiệm khó quên đối với các bạn sinh viên. Đây thực sự là cơ hội để tập thể chúng em gắn bó hơn, chụp lại những bức ảnh, ghi lại những cảnh quay vô giá của tuổi thanh xuân trong những năm tháng học đại học.
Cuối buổi tham quan, anh Báu đã tổng kết lại các ý chính trong phần hướng dẫn của anh Hiệp. Đồng thời, anh chia sẻ cũng như nhắc lại yếu tố quan trọng để trở thành một hướng dẫn viên Pháp ngữ chuyên nghiệp: trau dồi tiếng Pháp và có vốn kiến thức vững chắc về lịch sử, bản sắc văn hoá Việt Nam. Anh Báu đã gợi ý cho các bạn sinh viên tìm hiểu về những khía cạnh văn hóa bao trùm lên các địa điểm du lịch Việt Nam: tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo, …), tín ngưỡng dân gian, v.v…
Sau đó, 11 giờ 55 phút, cả đoàn lên xe trở về và kết thúc hành trình vào lúc 12 giờ 15 phút. Cô Hà đã thay mặt giảng viên và sinh viên lớp Du lịch gửi lời cảm ơn đến anh Báu và anh Hiệp.
Khép lại buổi học ngoài trời thú vị, sinh viên hai lớp du lịch khóa QH2018 không chỉ được tiếp lửa đam mê cho định hướng của mình và thêm yêu bản sắc con người mảnh đất hình chữ S mà còn cùng nhau tạo nên những kỉ niệm tuyệt vời của tuổi trẻ rực rỡ với các thầy cô và chuyên gia nhiệt huyết, đầy kinh nghiệm.
Thay mặt sinh viên của tập thể lớp 18F3.DL1 và 18F4.DL2, chúng em chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Quý công ty Horizon Vietnam Travel, cô Thủy và cô Hà đã tổ chức thành công buổi học thực tiễn này. Chúng em đón chờ những chuyến phiêu lưu bổ ích tiếp theo!
Đoàn Trà My và Nguyễn Thị Ngọc Ánh (sinh viên lớp 18F3.DL1- Trường ĐHNN-ĐHQGHN
- 5
- 140